Kết quả và phản ứng của dư luận Mặt_trận_đất_đối_không_miền_Bắc_Việt_Nam_1972

Kết quả

Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme dẫn đầu đoàn biểu tình đòi Mỹ chấm dứt ném bom Việt Nam. Stockholm năm 1972

Từ tháng 5 năm 1972 đến tháng 1 năm 1973, các lực lượng không quân Mỹ ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương (của các quân chủng Không quân, Hải quânThủy quân lục chiến) đã thực hiện 97.524 lần xuất kích (trung bình 10.838 lần/tháng hoặc 361 lần/ngày); tiến hành 44.875 trận oanh tạc (trung bình 4.986 trận/tháng hoặc 166 trận/ngày) vào hơn 1.200 mục tiêu trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Riêng máy bay ném bom chiến lược B-52 thực hiện 4.941 lần xuất kích (trung bình 549 lần/tháng hoặc 18 lần/ngày). Trong Chiến dịch Linebacker II, máy bay B-52 xuất kích 729 lần chiếc (trong số 741 lần chiếc theo kế hoạch), các máy bay khác xuất kích 1.046 lần chiếc; ném xuống miền Bắc Việt Nam hơn 20.000 tấn bom đạn.[1][46][47]

Mật độ sử dụng không quân của Hoa Kỳ trong năm 1972 tại miền Bắc Việt Nam vượt xa Chiến tranh Triều Tiên, chỉ kém Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Chỉ trong 9 tháng, máy bay Mỹ đã rải xuống miền Bắc Việt Nam 210.000 tấn bom (trung bình 23.333 tấn/tháng hoặc 778 tấn/ngày).[48] Trong Chiến dịch Linebacker II, nếu tính số lượng bom trong một ngày thì có thể bằng các cuộc ném bom xuống nước Đức cuối Chiến tranh thế giới lần thứ hai; nhưng xét khu vực hạn chế đường kính 100 dặm quanh Hà Nội thì thấy chưa bao giờ có nhiều bom được ném xuống một khu vực trong thời gian hạn chế như vậy.[49] Theo thống kê của phía Việt Nam, các cuộc ném bom này đã giết chết hơn 8.000 người, làm bị thương gần 15.000 người khác. Riêng trong 12 ngày cuối tháng 12 năm 1972 đã có 2.380 người chết, 1.355 người bị thương, trong đó đáng chú ý nhất là trận không kích vào phố Khâm Thiên, Hà Nội trong đêm 26 tháng 12 năm 1972, giết chết 278 dân thường và làm 290 người khác bị thương. Về cơ sở vật chất: 100% số nhà máy điện bị đánh phá, 1.500/1.600 công trình thủy lợi và gần 100 km đê xung yếu bị hư hại; Hầu hết cầu cống quan trọng và toàn bộ 6 tuyến đường sắt đều bị đánh hỏng; 3/6 thành phố lớn (Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên) và 23/30 thị xã, 96/116 thị trấn, 3.987/5.788 xã, 350 bệnh viên, gần 1.500 bệnh xá, 1.300 trường học bị tàn phá nặng nề; trong đó có 12 thị xã, hơn 300 xã, 10 bệnh viện, 11 ga xe lửa đầu mối bị hủy diệt hoàn toàn.[50][51]

Phía VNDCCH tuyên bố bắn rơi hoặc phá hủy trên sân bay tổng cộng 735 máy bay của Hoa Kỳ, trong đó có 61 chiếc B-52 và 10 chiếc F-111, 125 lần bắn cháy tàu chiến Mỹ. Phía Hoa Kỳ thừa nhận họ đã mất 19 chiếc B-52, 4 chiếc F-111 và 142 máy bay chiến thuật khác do bị bắn rơi hoặc rơi do tai nạn; trong đó có 16 chiếc B-52 và 12 máy bay chiến thuật (có 2 chiếc F-111), cùng với 66 phi công B-52 và 18 phi công khác trong Chiến dịch Linebacker II.[1][2] Đó là chưa kể số máy bay bị hư hại do trúng đạn nhưng không rơi mà vẫn cố hạ cánh được (ví dụ, trong Chiến dịch Linebacker II, có 9 chiếc B-52 bị trúng đạn hư hại nặng nhưng vẫn cố gắng hạ cánh được và Mỹ không tính những chiếc này là bị bắn rơi). Ngoài ra, số liệu của Hoa Kỳ cũng không tính số máy bay bị lực lượng đặc công của QĐNDVN đột nhập phá hủy tại sân bay (ví dụ, ngày 10 tháng 9 năm 1972, đặc công QĐNDVN tấn công sân bay Biên Hoà, phá hủy 3 máy bay và đánh hỏng nặng 95 chiếc khác, chiếm 3/4 số máy bay tại căn cứ[52]).

Phản ứng của dân chúng Hoa Kỳ và thế giới

Một nhóm cựu chiến binh Hoa Kỳ biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trước nhà tưởng niệm Abraham Lincoln

Cần phải nói một cách công bằng rằng các biện pháp ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam ban đầu có gây ra một số phản ứng nhưng sau đó lại được dư luận Hoa Kỳ dễ dàng "cho qua" vì dù sao, ném bom cũng dễ chấp nhận hơn là đưa lục quân Mỹ trở lại trực tiếp tham chiến.[23] Mặc dù các thượng nghị sĩ thuộc phái "hòa bình" nhiều lần đưa ra trước Quốc hội Mỹ các nghị quyết đòi kết thúc chiến tranh nhưng không thu được kết quả. Tỷ lệ ủng hộ Nixon thậm chí còn tăng lên; đặc biệt là cuối tháng 10, khi phái đoàn Hoa Kỳ xúc tiến đàm phán để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh trước cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ.[53]

Tuy nhiên đến khi Richard Nixon đã yên vị ở Nhà Trắng nhiệm kỳ thứ hai của mình với số phiếu 60,7%, hơn hẳn Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ George McGoverne (37,5%) và việc ký kết Hiệp định Paris theo dự kiến vào cuối tháng 10 năm 1972 thất bại thì chính giới và dân chúng Mỹ đã hết kiên nhẫn. Những hậu quả nặng nề của cuộc không kích miền Bắc Việt Nam do Không lực Hoa Kỳ tiến hành đã gây những phản ứng mạnh mẽ của các nước và kể cả từ trong nước Mỹ đối với các chính sách của Tổng thống Richard Nixon. Các tờ báo lớn của Mỹ đăng một loạt bài nói rằng: Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ và nghi ngờ sức khỏe thần kinh của Tổng thống của họ. Chính giới Mỹ thì coi đây là kiểu chiến tranh nổi khùng nhân danh hòa bình, tổng thống dường như lên cơn điên mới tiến hành một cuộc ném bom khủng bố vô nhân đạo làm hoen ố uy danh của nước Mỹ như vậy. Nhà báo Jerry Gordon, điều phối viên của Liên minh toàn nước Mỹ vì hòa bình tuyên bố: "Một lần nữa, người ta lại lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hòa bình trong tầm tay là một cuộc chiến tranh tăng cường. Thay vì chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam là sự leo thang".[54] Dư luận Hoa Kỳ cho rằng nếu cứ đưa B-52 đi đánh một loạt trận thông thường ở Bắc Việt Nam mà mỗi trận lại bị thiệt hại như mức độ vừa qua (ám chỉ Chiến dịch Linebacker II) thì chẳng cần phải là một thiên tài toán học cũng thấy được rằng: rốt cuộc, Mỹ sẽ mất hết B-52.[55] Đa số nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có cả các đảng viên Đảng Cộng hòa cũng lên tiếng đòi chấm dứt ném bom. Những người đã từng ủng hộ chính sách ném bom hồi tháng 5 thì nay lại đặt câu hỏi về sự cần thiết và mức độ tàn bạo của các trận ném bom tháng 12. Các nghị sĩ phái "hòa bình" trong Quốc hội Mỹ cho rằng tổng thống đã đem đến cho họ một Giáng Sinh buồn và đe dọa sau khi nghỉ, họ sẵn sàng đấu tranh với tổng thống. Theo viện Gallup, tỷ lệ dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ Nixon nhanh chóng sụt giảm xuống còn 39%.[56]

Dư luận thế giới cũng phản đối mạnh mẽ cuộc ném bom Việt Nam trong dịp lễ Giáng Sinh. Cả Liên Xô và Trung Quốc đều không thể giữ được thái độ kiềm chế như hồi tháng 5. Không một đồng minh NATO nào lên tiếng ủng hộ Hoa Kỳ. Các chính phủ Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Hà Lan, Bỉ,... đều phản đối việc ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam. L.I. Breznev ví chính sách của Hoa Kỳ như chính sách của "Đức Quốc xã".[3] Ông Olof Palme - Thủ tướng Thụy Điển - đích thân dẫn đầu một đoàn biểu tình ở thủ đô Stockholm lên án Mỹ và đòi chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam không điều kiện (xem ảnh trên).

Sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon ra lệnh chấm dứt ném bom đánh phá phía bắc vĩ tuyến 20, ngày 6 tháng 1 năm 1973, các đoàn VNDCCH và Hoa Kỳ gặp lại nhau tại Hội nghị Paris. Từ hành động ngưng đàm phán để ném bom đến hành động ngưng ném bom để đàm phán của phía Hoa Kỳ chỉ diễn ra trong vòng 20 ngày.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_đất_đối_không_miền_Bắc_Việt_Nam_1972 http://www.airforcemag.com/MagazineArchive/Pages/1... http://www.airspacemag.com/military-aviation/chris... http://www.historynet.com/the-11-day-war.htm http://www.strategic-air-command.com/history/histo... http://www.vspa.com/bh-huff-1972.htm http://peters-ada.de/S-75-SAM-Site-PAVN-1966-1S.jp... http://peters-ada.de/futt18.jpg http://peters-ada.de/linebaker_ii.htm http://peters-ada.de/vietna1.gif http://peters-ada.de/vit13_2.jpg